Home » » Cao hơn cả thiên đường

Cao hơn cả thiên đường

Written By HieuBio on Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013 | 19:32


Nhiều lần, tôi vẫn thường hay hỏi mợ: “Cao hơn thiên đường là gì hả mợ?” Mợ thường nói rồi một lúc nào đó, con sẽ biết.
Tôi chẳng rõ đó có phải là đáp án mà người lớn luôn dành cho lũ trẻ khi họ không biết chính xác phải trả lời thế nào cho đúng hay không. Nhưng tôi vẫn tin là mợ biết. Có điều mợ không bao giờ nói ra. Mợ muốn tôi tìm hiểu và tự khám phá ra những câu hỏi của mình, bằng cách này hoặc cách khác, như tìm đọc ở sách. Khi không thể nào tìm ra được, mợ mới nói tôi nghe. Và những đáp án của mợ bao giờ cũng làm tôi suy nghĩ rất lâu.
Ví như có lần tôi hỏi về cha mẹ tôi ở đâu, sao tôi không có. Mợ đăm chiêu rồi đáp: “Trong cuộc đời mỗi người, họ thường đánh rơi cái này cái kia, như có lúc con làm rơi mấy cây bút, thước kẻ vậy. Và cha mẹ con đã lỡ làm rơi con – niềm hạnh phúc lớn lao mà chắc chắn họ rất đang phiền muộn và tìm kiếm!”. Tôi đã suy nghĩ nhiều về câu trả lời đó của mợ. Nhưng một đứa con nít thì không thể suy nghĩ gì quá sâu xa cho được. Tôi dần lãng quên và chấp nhận một ngày nào đó cha mẹ sẽ tìm ra tôi, vì tôi là niềm hạnh phúc, mà con người thì ai cũng cần có hạnh phúc cả. Sau này lớn lên tôi hiểu mất một thứ, tìm lại không phải bao giờ cũng thấy. Và không phải ai cũng muốn tìm vì họ cố tình đánh rơi…
Tôi không biết tên mợ. Ai cũng gọi mợ là mợ nên tôi gọi theo.Theo người Bắc cũng có nghĩa là mẹ, nhưng với tôi, tiếng “mợ” là một tiếng gọi rất đặc biệt, thân thương, giống như mẹ và cũng giống như bà. Mợ khoảng 60 tuổi. Mợ nói khi nào mợ mất đi, mợ mong mình đừng làm người, đừng làm tiên phật, chỉ mong được làm hư vô. Chết là hết, thế thôi. Tôi tự hỏi đó phải chăng là nơi cao-hơn-thiên-đường mà mợ từng nói đến?
Mợ kể rằng mợ cũng có chồng và có con từ năm mới 19 tuổi. Chồng mợ là một người đàn ông bất hạnh, ông thất nghiệp, say xỉn, thường hay đánh đập mợ. Rồi mợ chịu không nổi, đem gửi con nhỏ làm con nuôi của một gia đình khác. Nhớ con, ngày nào mợ cũng khóc thành ra mù lòa. Sau đó chồng mợ chết, mợ sống một mình bằng sự giúp đỡ của xóm giềng, hoàn toàn không có một người thân. Nhiều lần mợ muốn đi tìm lại con nhưng phần vì mù lòa, phần vì gia đình họ đã chuyển địa chỉ nên mợ không cách nào liên lạc, vẫn mong mỏi một ngày gặp lại con mình.
Mợ nuôi tôi bằng cái tủ bán mấy thứ đồ lặt vặt và từ số tiền trợ cấp của Nhà nước dành cho chồng mợ. Dù nghèo nhưng tôi chưa bao giờ phải nghỉ học một buổi nào. Tôi luôn cố gắng học thật tốt để lấy học bổng của trường.
oOo
Tôi tin rằng những người mù luôn thấy và biết được những điều mà một người bình thường không bao giờ thấy. Chính vì vậy đối với tôi, mợ vẫn luôn là một người phụ nữ thông thái và chứa đầy bí mật.
Tôi không rõ người mù có thường hay mơ không và tự hỏi giấc mơ của họ sẽ như thế nào. Có phải chỉ toàn là một màu đen. Nhưng chưa một lần tôi dám hỏi một người mù nào, đặc biệt là mợ. Tôi sợ rằng mình sẽ làm tổn thương một ai đó. Dù vô tình hay cố ý, gây tổn thương cho một người cũng là một việc làm hết sức tồi tệ, mà tôi thì chẳng muốn thế bao giờ.
Dù vậy với bản thân tôi, từ lúc tôi còn là một con bé thò lò nước mũi đến bây giờ, lắm lần tôi bị người khác làm tổn thương. Khi nhỏ, tôi bị bọn trẻ trong xóm kêu mày là thứ con hoang, không ai nhận mày nên bà mù mới nhận mày về nuôi. Tôi đã khóc và chạy đi hỏi mợ rằng tôi có phải là con hoang. Mợ vẫn ôn tồn: “Con là một niềm hạnh phúc và mợ đã đem niềm hạnh phúc đó về!”. Tôi dần tập thói quen không quan tâm nhiều đến lời nói của thiên hạ. Càng lớn, tôi càng giải đáp được nhiều thắc mắc được đúc kết từ chính bản thân mình. Và tôi cảm giác rằng tự mình tìm ra đáp án luôn thú vị hơn khi ai đó chỉ cho mình. Tôi biết được nhiều thứ mình từng tự hỏi, nhưng chỉ riêng câu hỏi thuở bé về nơi cao hơn cả thiên đường vẫn không sao giải đáp được.
Kỷ niệm giữa mợ và tôi không nhiều, nhưng kỷ niệm nào cũng làm tôi không bao giờ quên được. Đó là lần cô giáo ra đề văn miêu tả một cảnh đẹp mà em từng đi đến. Tôi từ nhỏ đã gắn liền với mảnh đất này, chẳng được đi đâu khác, định miêu tả về nó thì hỏi ra đã có mấy đứa trùng ý tưởng. Tôi muốn miêu tả về biển, cái mà tôi đã từng nghe tụi thằng Hoàng, thằng Hùng nói đến hoài sau mỗi mùa hè.
Tôi chưa từng tới biển, chưa từng lên núi. Tôi không hỏi mợ vì tôi biết mợ cũng như tôi. Tôi đi ra nhà sách cũ tìm mua mấy quyển sách, chạy qua nhà hàng xóm hỏi cô ta về biển, cô ta gật gù diễn tả cho tôi: “Tao thấy rồi, trên tivi, biển lớn hơn sông Cái này vạn lần, màu xanh, cát trắng mịn, không phải sình lầy như sông, có sóng vỗ ngày đêm, cá tôm trù phú, có tàu to hơn cả ngôi nhà của ông M. giàu nhất vùng….”. Thế rồi tôi nảy ra ý định miêu tả con sông Cái, chỉ đổi thành màu xanh và cho rộng lên gấp ngàn lần. Tôi tường thuật chuyến đi biển với mợ bằng trí tưởng tượng của mình. Và tôi mộng mơ một ngày nào đó, tôi sẽ được đi ngắm biển một lần, cùng mợ.
Bài văn của tôi cô cho 8 điểm. Cô đọc lên trước lớp. Tụi bạn xầm xì, kiểu ghen tị trẻ con: “Nó xạo đó, nó chưa từng đi tới biển bao giờ!”. “Mợ nó bị mù, sao mà dắt nó đi!”. Tôi được điểm cao mà chẳng vui. Về nhà tôi òa khóc, đổ lỗi cho Mợ, rất vô cớ.
- Nếu mợ không mù, tụi nó đã không nói con như thế! Mợ bảo con là hạnh phúc đánh rơi, nhưng tụi bạn bảo con là thứ sao chổi xui xẻo, con bị bỏ đi chứ không phải đánh rơi gì hết. Và cũng chẳng có nơi nào là thiên đường, càng không có nơi gọi là cao hơn cả thiên đường. Con không tin những gì mợ nói nữa!
- Con không tin lời mợ sao?
- Không! Mợ không thấy đường mà biết gì?
Nói ra câu nói ấy rồi tôi thấy vô cùng ân hận. Tôi biết mình đã phạm một lỗi lầm vô cùng nghiêm trọng là làm tổn thương đến người mình thương yêu và yêu thương mình. Tôi thấy mợ im lặng, ngẩn ngơ. Tôi ước gì mình có thể rút lại lời nói của mình.
- Ừ, mợ mù!
Tôi thấy lòng mình đau nhói. Tôi bật khóc. Chạy đến ôm mợ.
- Mợ ơi, con thương mợ lắm, con sai rồi, mợ à!
Lần đó, mợ khóc cùng tôi.
- Con ngốc quá, khóc gì mà khóc…
oOo
Đó là một ngày gió lạnh nhiều hơn bình thường, tôi đang ngồi nấu thuốc trị nhức lưng cho mợ ở phía sau nhà, mợ gọi tôi ra gặp hai vợ chồng già. Họ có người bà con ở quê tôi, nghe nói đến hoàn cảnh của mợ nên có ý định nhận tôi làm con nuôi, hứa sẽ cho tôi ăn học đàng hoàng ở Sài Gòn. Nếu được ít ngày nữa họ sẽ lại đến và đón tôi đi ngay. Tôi vừa thích vừa buồn. Tôi nghe nhiều về Sài Gòn nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải xa mợ. Mợ sẽ sống thế nào nếu tôi không còn ở đây với mợ.
Tối đó, tôi nằm bên cạnh mợ và xoa bóp từng thớ thịt nhăn nheo, mềm rũn của mợ. Tôi nói với mợ: “Con sẽ không đi đâu hết nếu không có mợ!”. Mợ bảo: “Con phải đi, con hạnh phúc thì mợ cũng hạnh phúc. Mợ già rồi, còn sống được bao lâu, mợ tin con mợ sẽ về đón mợ đi nay mai! Nên mợ phải ở đây đợi con mình!”.
Mợ im lặng lúc lâu rồi nói: “Con nè, con đã biết được cao hơn cả thiên đường là đâu chưa?”. “Dạ chưa!”. “Thiên đường là nơi mà người ta quan niệm khi chết đi, những người thiện sẽ được đến, là nơi không có buồn đau, nước mắt. Nhưng không có nỗi buồn con sẽ không bao giờ hiểu được niềm vui, khi đã đến thiên đường, con sẽ lại nhìn xuống thấy bao người cơ cực mà chẳng thế làm được gì cho họ vì lúc ấy mình chỉ còn là linh hồn! Cao hơn thiên đường, là thực tại, khi con hạnh phúc và làm cho người khác hạnh phúc”.
Lúc ấy, tôi không hiểu lắm và cũng không mấy chấp nhận lý giải của mợ về nơi cao hơn thiên đường đó lại chính là thực tại.
Hôm sau, lúc tôi đi học về, mợ nói với tôi: “Con của mợ hôm nay đã đến đây, tìm lại mợ con à!”. Tôi mừng rỡ: “Thật sao mợ? Trời ơi, chị ấy đang ở đâu?”. “Nó về thu xếp công việc rồi, sẽ đón mợ ít ngày nữa…”. Tôi thấy mợ cười thật tươi. Ngần ấy năm sống với mợ, chưa bao giờ tôi thấy mợ cười tươi đến thế. Tôi đến ôm mợ. Cuộc đời mợ chờ đợi chỉ có thế. “Con giờ đã lớn khôn và có người tốt nhận nuôi, mợ an tâm phần nào!”. Những buổi tối hôm đó, tôi và mợ thường ngủ rất ít, tôi luôn cố gắng nói chuyện và dành thời gian bên mợ nhiều hơn.
Ba hôm sau, khi tôi đi chợ về thì không thấy mợ đâu, tôi hỏi người láng giềng: “Cô ơi, có thấy mợ đâu không?”. Người đàn bà bảo: “Mợ mày đi rồi, con của bà về đón bà ấy đi! Khổ một đời, chỉ mong được có thế! Vì vội quá, bà không kịp ở lại chào, nhưng bà ấy có nói sẽ tìm đến địa chỉ của mày ở Sài Gòn cùng con gái của bà!”.
Tôi nghe xong cứ nghĩ bà ấy nói đùa, chạy vào nhà tìm mợ nhưng không thấy. Tủ quần áo cũng không còn. Mợ đi thật. Tôi vừa buồn, vừa mừng cho mợ. Mặc dù trong lòng nhiều hẫng hụt vì mợ ra đi mà không gặp tôi lần cuối. Tôi không trách mợ, vì mợ đã nuôi dưỡng tôi ngần ấy năm. Vừa lúc đó thì cặp vợ chồng già ấy lại đến, hỏi ý tôi quyết định thế nào, tôi ngần ngừ đồng ý, vào thu dọn nhanh hành lý để đi. Mọi chuyện chóng vánh diễn ra khiến tôi cứ ngơ ngẩn…
oOo
Tôi lên Sài Gòn sống. Khoảng thời gian ấy tôi được ăn no mặc ấm, được dẫn đi biển, đi núi, nhưng không có mợ theo cùng. Tôi lao đầu vào học hành để không là một đứa tỉnh lẻ quê mùa dốt nát, tránh đi những ánh mắt dòm ngó khinh khi của một số bạn bè. Tất cả cuốn tôi đi làm tôi không còn thời gian để nghĩ ngợi nhiều đến những kỷ niệm cũ. Thi thoảng, rất mông lung, tôi nhớ về mợ và tin tưởng rằng mợ giờ này cũng đang hạnh phúc giống tôi. Và tôi chờ đợi mợ sẽ đến thăm tôi, như mợ từng chờ đợi con của mình quay về.
Một ngày cuối tuần, đột nhiên tôi lại nhớ da diết căn nhà cũ nơi tôi từng sống bao nhiêu năm, tôi xin phép cha mẹ nuôi về thăm quê. Tôi tự hỏi căn nhà không người ở bao năm giờ đã như thế nào. Và mợ có hay về thăm lại căn nhà hay không?
Khi tôi vừa đặt chân đến khoảng sân nhỏ, gặp người hàng xóm vừa từ trong nhà mợ bước ra. Gặp tôi, bà mừng mừng tủi tủi, rưng rưng cầm tay tôi mà nói: “Tao xin lỗi mày… Ngày đó, mợ mày chẳng ai đón, bà bắt tao làm thế để mày chịu đi. Con bà ấy chết lâu rồi, chẳng ai đón bà ấy cả. Bà ấy bị ung thư thời kỳ cuối, chết chỉ sau lúc mày đi một tháng… Ngôi nhà tao vẫn giữ để thờ cúng!”.

Tôi thảng thốt bước vào trong nhà. Trên bàn thờ, ảnh mợ thời con gái cười thật tươi. Bức ảnh duy nhất mà mợ còn giữ lại. Nước mắt tôi ứa ra, cắn chặt răng mà ngực nhói đau như chưa từng bao giờ đau hơn thế. Tôi đã vô ý rời bỏ hạnh phúc của mình, cũng giống như ngày xưa cha mẹ từng rời bỏ hạnh phúc là tôi. Và tôi hiểu chắc chắn giờ này mợ đang ở nơi cao hơn cả thiên đường..

0 nhận xét:

Đăng nhận xét